BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2021

04/01/2021 20:22

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2021

Hôm nay, trường THCS Long Phước tổ chức Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, vận động toàn xã hội chủ động tích cực hành động nhằm thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình dẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Thế nào là bình đẳng giới? Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.

Bình đẳng giới là nam và nữ đều được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị,... Bình đẳng giới có nghĩa rằng không còn sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, phụ nữ và nam giới cùng có địa vị bình đẳng trong xã hội. Bình đẳng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ hoàn toàn như nhau mà là các điểm tương đồng và khác biệt giữa họ được thừa nhận và tôn trọng.

Tại sao phải thực hiện bình đẳng giới? Thực hiện bình đẳng giới là đảm bảo quyền con người. Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Thực hiện bình đẳng giới đem lại lợi ích cho phụ nữ và xã hội.

Bình đẳng giới phải được thực hiện trong mỗi gia đình. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và xây dựng thể chế gia đình bền vững.

          Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình,…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các Công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ

(Điều 18 - Luật Bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong gia đình như sau: “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình cũng như trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật. Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”).

            Tuy nhiên, thực tế hiện nay, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Hoặc nhiều gia đình Việt Nam ngày nay vẫn còn tư tưởng thích có con trai hơn con gái, phân biệt đối xử giữa người con trai và con gái trong một gia đình,… Đặc biệt, hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đó, phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình, họ phải làm việc suốt ngày và không được tiếp cận với việc học hành. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, việc họ hàng, rồi sa vào các tệ nạn xã hội,… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Và hiện tượng xúc phạm, đánh đập, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong xã hội.

          Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội phụ nữ Việt Nam. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là trong lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới. Đó là điều mà chúng ta cần phải thay đổi.

Đối với giáo dục: Khẳng định bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, giáo dục đã thực hiện vấn đề bình đẳng giới trong chương trình, SGK (kể cả trong chương trình tổng thể và chương trình môn học) và các hoạt động giáo dục. Trong các cơ sở giáo dục hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới được thể hiện hiệu quả và rõ nét nhất thông qua các chức danh quản lý lớp; tham gia các hoạt động học tập và giáo dục của trường, của lớp; cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện; công tác Thi đua - khen thưởng,... Tất cả học sinh đều được đối xử bình đẳng như nhau không phân biệt nam hay nữ. Việc quan tâm, chăm lo, giáo dục, không phân biệt đối xử giữa trẻ em trai và trẻ em gái, tạo cơ hội, điều kiện ngang nhau cho các em học tập và phát triển. Đặc biệt với các em bé gái ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện để các em được đến trường học, được tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa.

          Hưởng ứng: “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021” với chủ đề: Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phu ̣ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”

Nhà trường xin gửi tới các thầy cô giáo và các em học sinh những thông điệp tuyên truyền sau:

1. Hướng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

2. Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2021.

3. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

4. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em!.

5. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương!.

6. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em!

7. Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn!

8. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em!.

9. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em!

10. Hãy hành động để chấm dứt bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em!

11. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại.

12. Xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

13. Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.

14. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.

15. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!

Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh yêu quý!

Bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phụ nữ là một nửa thế giới, phải được tôn trọng, được công nhận giá trị và vai trò xã hội cũng như cống hiến của họ. Bình đẳng giới là trung tâm của sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực của đất nước.

Như vậy, việc xây dựng xã hội có bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới, mà của mọi người, là mục tiêu cần sớm hoàn thành của các quốc gia, để từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

Đối với nhà trường, việc thực hiện tốt bình đẳng giới sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và hoàn thành mục tiêu giáo dục đã đặt ra.

Xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc các em học sinh chăm ngoan, học giỏi và chúng ta cùng quyết tâm hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Xin chân thành cảm ơn!

Bạn đang đọc bài viết "BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 2021" tại chuyên mục Hoạt động nhà trường.