Kính thưa quý thầy cô giáo và các em học sinh thân yêu !;
Như chúng ta đã biết, từ năm 2012, Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai chiến dịch 16 ngày hành động cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động hưởng ứng chiến dịch toàn cầu mà Tổng thư ký LHQ khởi xướng năm 2006 có tên là "Unite" nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Đến tháng 10 năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia vì Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và ghi nhận ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm là Tháng Hành động quốc gia về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ và nỗ lực to lớn của Đảng, nhà nước nhằm giải quyết vấn đề hết sức quan trọng này. Đây cũng là lý do chúng ta có mặt tại đây để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Các khía cạnh bình đẳng giới như: Nam và nữ được tiếp cận và hưởng lợi như nhau các cơ hội về học tập, công việc và các nguồn lợi khác; nam và nữ đều có quyền như nhau trong việc quyết định, bầu cử, thừa kế và các quyền khác; nam và nữ bình đẳng về trách nhiệm trong công việc xã hội cũng như trong gia đình; phụ nữ có vị thế bình đẳng và không lệ thuộc vào nam giới, ý kiến của hai giới đều được tôn trọng. Nếu tồn tại bình đẳng giới, nam giới trong gia đình thấy được trách nhiệm và quyền hạn của họ. Phụ nữ có sự tự tin và mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội. Họ trở nên độc lập, tự chủ không phụ thuộc vào nam giới, biết bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ bản thân nếu như bị đối xử không công bằng.
Bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của con người và tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và xây dựng thể chế gia đình, xã hội bền vững.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.
Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ. Vậy nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ. Không những vậy, trong xã hội ta vẫn còn tồn tại quan niệm: phụ nữ là tài sản của đàn ông, quá đề cao vai trò, quyền lực của đàn ông, khiến cho nam giới tự cho mình quyền cư xử với phụ nữ theo ý của họ. Vẫn còn rất nhiều người đàn ông gia trưởng, tự cho mình có quyền “dạy vợ”, quyền đòi hỏi vợ con phục vụ, thực hiện những yêu cầu của mình. Người phụ nữ với vị thế lệ thuộc, phải phục tùng, làm theo. Nếu trái ý hoặc chậm trễ họ dễ bị người chồng đối xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm. Chính định kiến hẹp hòi và tư tưởng bảo thủ tồn tại trong gia đinh và xã hội đã tạo nên thực trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam chúng ta.
Mặt khác, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội; song đây là vấn đề nhạy cảm, các nạn nhân vì những lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Muốn xóa bỏ bạo lực gia đình, muốn chấm dứt nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em cần xóa bỏ bất bình đẳng giới để tạo nên sự bình đẳng giữa hai giới. Bình đẳng giới là nền tảng của sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau giữa nam giới và phụ nữ, có trách nhiệm với nhau, cùng tạo điều kiện cho nhau phát triển và như vậy sẽ không có bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.Tháng hành động năm nay với chủ đề Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch này sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không có sự tham gia tích cực của tất cả mọi người. Chúng ta hy vọng rằng tất cả các thành viên có mặt ở đây, tất cả người dân tiến bộ của Việt Nam sẽ đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực, xâm hại đối với trẻ em gái và phụ nữ..
Để thực hiện thành công Tháng hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái , chúng ta hãy chung tay chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em. Tất cả chúng ta, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy cùng lên tiếng tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại và có những hành động chủ động, cụ thể nhằm chấm dứt bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng và thịnh vượng cho tất cả mọi người, xây dựng “ Một quốc gia phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau”, một quốc gia mà nơi đó mọi phụ nữ và trẻ em gái sẽ không còn chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, không còn là nạn nhân của bất kỳ hình thức bạo lực nào ở mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta hãy làm tốt những thông điệp sau:
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019.
- Hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2019.
- Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
- Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động, đó có thể là người thân của bạn.
- Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, không xâm hại tình dục.
- Hãy hành động để chấm dứt bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
- Im lặng không phải là cách để bạo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại.
- Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
- Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lao động.
- Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.
- Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
- Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn.